Dây dẫn chất lượng quá kém hoặc sử dụng không đúng cách sẽ ảnh
hưởng đến đường truyền tín hiệu.
Vai trò của dây dẫn trong hệ thống âm thanh luôn là chủ đề
thu hút được nhiều sự quan tâm và tranh luận. Sự khác nhau về chất lượng âm
thanh nghe được giữa các dây loa giá hàng nghìn USD so với những sản phẩm giá
vài trăm USD phụ thuộc rất nhiều vào "cảm tính" của người nghe. Tuy
nhiên, nếu dây dẫn chất lượng quá kém hoặc sử dụng không đúng cách sẽ ảnh hưởng
đến đường truyền tín hiệu, từ đó làm thay đổi chất lượng âm thanh. Việc chọn
mua dây dẫn phù hợp với hệ thống giải trí gia đình vì vậy vẫn quan trọng và rất
cần thiết.
Với các loại dây dẫn kim loại nói chung, độ thất thoát tín
hiệu điện càng lớn khi kích thước dây càng bé, và dây càng dài. Vì vậy, nếu
không thể tránh khỏi việc dùng dây loa dài, tăng kích thước dây loa là việc nên
làm nhằm giảm thiểu thất thoát trong quá trình truyền tải tín hiệu.
Kích thước dây thường được đo bằng AWG (American Wire
Gauge), một đơn vị đo theo tiêu chuẩn Mỹ. Chỉ số AWG được tính theo số lần kéo
khối kim loại làm dây qua các khuôn, vì vậy, chỉ số này tỷ lệ nghịch với cỡ dây
dẫn. Nói cách khác, AWG càng nhỏ thì dây càng lớn. Theo các nhà sản xuất, khi
đường kính dây tăng lên gấp đôi, số AWG giảm xuống sáu đơn vị. Ví dụ, dây có
AWG 2 sẽ có kích cỡ to gấp đôi dây có AWG 8.
Để có chất lượng âm thanh tốt, dù vẫn còn phụ thuộc vào nhiều
yếu tố khác như chất liệu, kết cấu dây... các audiophile đề xuất sử dụng dây cỡ
AWG 16 trở xuống, tương đương với đường kính sợi 1,29 mm trở lên, tùy theo chi
phí bạn định đầu tư cho dây dẫn.
Trước khi chọn mua, việc tham khảo thông số AWG sản phẩm qua
người bán hoặc trên trang web hãng sản xuất là cần thiết, vì đôi khi dây loa
thành phẩm không lộ lõi để kiểm tra đường kính.
Dây dẫn được gồm hai thành phần, vỏ và lõi dây kim loại. Vỏ
vừa có tác dụng cách điện vừa chống nhiễu tín hiệu từ bên ngoài vào bên trong
dây, lõi có nhiệm vụ truyền tải tín hiệu xuyên suốt chiều dài sợi dây. Mỗi
thành phần đều có những chất liệu và kỹ thuật chế tạo riêng biệt.
Lõi dây thường được làm bằng kim loại nguyên chất hoặc hợp
kim của đồng, bạc. Tuy điện trở suất của đồng cao hơn (1,72 microOhm/cm so với
1,59 microOhm/cm của bạc), kim loại này lại rẻ hơn khá nhiều và vì vậy, phổ biến
hơn trong công nghiệp sản xuất dây dẫn. Ngoài ra, vàng cũng là một lựa chọn cho
vật liệu làm lõi dây. Vàng không dễ bị ôxi hóa như bạc và đồng, nhưng trở suất
cao hơn (2,44 microOhm/cm).
Vỏ dây thường không được chú ý nhiều như lõi dây về vật liệu,
nhưng cũng góp phần khá quan trọng vào chất lượng dây loa. Hiện tượng hấp thụ
năng lượng môi trường của vỏ dây ảnh hưởng đến tín hiệu âm thanh truyền đi. Các
loại dây phổ thông thường dùng nhựa rẻ tiền, dây tốt hơn sử dụng polypropylene
hoặc teflon. Trên lý thuyết, chân không là chất liệu tốt nhất để làm vỏ, tuy
nhiên, thực tế không thể chế tạo được. Vì vậy, có một số nhà sản xuất bơm không
khí vào vật liệu để tạo ra lớp vỏ chứa nhiều không khí.
Giắc cắm là một phần của đường truyền tín hiệu, để giảm thiểu
thất thoát có thể, chất lượng giắc cắm cũng là một yếu tố đáng lưu tâm. Tương tự
như lõi dây, chất liệu làm giắc cắm cũng có thể là đồng, bạc. Tuy nhiên, là bộ
phận tiếp xúc liên tục với không khí trong quá trình sử dụng nên giắc cắm rất dễ
bị oxi hóa. Vì vậy, người ta thường phủ một lớp niken hoặc vàng bên ngoài nhằm
mục đích tăng độ bền giắc cắm.
Để nối giắc cắm và lõi dây, các nhà sản xuất thường dùng trực
tiếp lõi dây làm chất hàn bằng cách sử dụng một dòng điện lớn làm nóng chảy điểm
tiếp xúc giữa lõi và giắc cắm.
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của giắc cắm là tạo ra tiếp xúc
rộng và chắc chắn với cọc loa. Vì vậy, có nhiều loại kết nối giắc cắm khác nhau
với độ tiện lợi và hiệu quả đa dạng.
Ngoài ra, còn một số yếu tố khác ảnh hưởng tới chất lượng
dây dẫn:
- Độ dài các dây loa trong hệ thống cần bằng nhau. Khác biệt
về chiều dài có thể dẫn đến hiện tượng trễ thời gian giữa các loa, hoặc ảnh hưởng
khác nhau về điện trở có thể dẫn đến trải nghiệm ‘lệch’, mất sự cân bằng của hệ
thống đã được thiết kế tỉ mỉ của nhà sản xuất.
- Có nhiều loại dây loa với hình dạng và màu sắc khác nhau
nhằm mục đích phù hợp với nhu cầu của người dùng. Ví dụ, dây loa với kí hiệu
CL2 có thể đi âm tường trong thiết kế tại gia. Ký hiệu CL3 chỉ dây loa có thêm
nhiều tính năng như chống sốc, chống nhiệt, thích hợp sử dụng cho các hoạt động
ngoài trời.
- Do dây dẫn có cấu tạo đơn giản nên việc tự chế dây loa là
hoàn toàn có thể. Việc đo đạc chính xác dây loa cần cho nhu cầu cụ thể giúp bạn
tiết kiệm được không ít chi phí đầu tư. Hơn nữa, nhiều nhà sản xuất cung cấp cả
dây loa thành phẩm (gồm cả bao bì, giắc cắm, và có độ dài cụ thể) và dây loa cuộn
với giá cả chênh lệch đáng kể. Nếu tự tin vào chất lượng dây loa do mình làm ra,
việc tự chế dây loa cũng rất đáng cân nhắc.
Có nhiều ý kiến trái chiều
về vai trò của dây loa trong chất lượng âm thanh của dàn hi-fi, và vấn đề này
cũng rất đáng quan tâm, vì giá thành của dây loa không hề rẻ. Dù sao, việc đầu
tư đúng mức vào dây loa nhìn chung sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Có một công
thức mà nhiều audiophile khuyến cáo các "tín đồ" âm thanh sử dụng khi
xây dựng dàn hi-fi cho mình, đó là 50% cho thiết bị điện tử (ampli, CD,
DAC,...), 40% cho loa và 10% cho dây dẫn (bao gồm cả dây tín hiệu và dây loa).
Nghe
là trải nghiệm cá nhân, mỗi người có một cảm nhận khác nhau, vì vậy vẫn có nhiều
trường hợp dây đắt tiền nhưng vẫn không cho hiệu quả tốt hơn các dây loa đã cũ,
rẻ tiền. Để đề phòng tình huống này, tốt nhất bạn nên mượn thử các dây loa khác
nhau cho hệ thống hi-fi của mình trước khi mua. Chỉ khi nào thấy hài lòng mới
quyết định ra cửa hàng. Nếu không nhận ra sự khác biệt giữa các loại dây, hãy
chọn loại rẻ nhất.
No comments:
Post a Comment