Tuesday, January 5, 2016

Giải nghĩa chất lượng loa qua thông số kỹ thuật

Nếu như tinh ý một chút bạn có thể đánh giá được chất lượng của một cặp loa chính xác đến 80-90% khả năng của nó mặc dù chưa cần phải sử dụng qua thực tế, dựa trên các thông số kỹ thuật mà nhà sản xuất đưa ra. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết: Giải nghĩa chất lượng loa qua thông số kỹ thuật dưới đây. 

Nhiều người cho rằng đã là loa thì chức năng cái nào chẳng giống nhau, cứ phát ra âm thanh thế thôi. Cần mua loa cho trình diễn, ca hát, nghe nhạc.. thì chọn các loại loa thùng, hoặc cần loa cho thông báo, phát biểu thì chọn loa hộp, loa kèn phóng thanh... Hoặc với những người tìm hiểu qua "sơ sơ" thì có thể yêu cầu thêm mức công suất của một chiếc loa, càng to để nghe càng hoành tráng. Tuy nhiên nếu như chỉ dừng lại ở đấy mà bạn nghĩ mình đã chọn mua được chiếc loa phù hợp thì hoàn toàn sai lầm. 
Trước khi đưa loa vào sử dụng thực tế thì cách tốt nhất để bạn biết rõ về chiếc loa đó chính là dựa trên việc giải nghĩa chất lượng loa qua thông số kỹ thuật do nhà sản xuất công bố về sản phẩm của họ. Thương hiệu càng uy tín thì những thông số này càng đáng tin cậy. Và thực tế hiện nay cho thấy rất nhiều người đang bỏ qua những con số này, dẫn đến nhiều tình huống hiểu sai về loa và chức năng, công dụng, khiến việc mua loa trở nên vô nghĩa. Minh Thanh Piano sẽ giúp bạn tổng hợp về một số thông số quan trọng nhất và giải thích chi tiết về nó. 

1. Đáp ứng tần số của loa

Với mỗi thiết bị âm thanh cụ thể, không chỉ riêng với loa, đều có những mức đáp ứng tần số của nó. Con số này cho bạn biết được rằng sản phẩm đó có thể sản xuất âm thanh ở những dải tần số cụ thể nào, có thể biểu diễn bởi từng khoảng (vd: 20Hz-20kHz) hoặc theo đồ thị đáp tuyến tần số bằng hình ảnh. Tùy chức năng của mỗi chiếc loa (loa sub hay loa full) mà thông số này cho biết khả năng thể hiện âm thanh ở tần số khác nhau. Đây là những con số có thể tin cậy được mà nhà sản xuất đã tiến hành đo lường và công bố đến khách hàng của mình. 
bieu dien tan so cua loa
Dạng sóng biểu diễn từng mức tần số cụ thể của loa

Trạng thái tốt nhất của các đồ thị đáp tuyến tần số đó là thể hiện các dải tần một cách chính xác nhất về cường độ của các tần số âm thanh. Tuy nhiên thực tế không được như vậy, mà nó thường sai lệch ở mức +/-3dB, với các thiết bị cao cấp, sai lệch ít hơn trong khoảng +/-1dB nhưng vẫn không thể hoàn hảo và chính xác 100% được. Bạn có thể xem chi tiết về khả năng đáp ứng tần số của loa tại bài viết: Khả năng đáp tuyến tần số của loa mình đã giới thiệu trước đó.

2. Giá trị công suất RMS và Peak của loa

Với nhiều nhà sản xuất loa, bạn sẽ thấy họ công bố rất nhiều mức công suất khác nhau cho một chiếc loa khiến nhiều người đôi khi hiểu lầm về con số này. Ví dụ như loa Das Artec 506 công bố công suất: RMS: 200W; Peak: 800W. Vậy đâu là mức công suất thực của chiếc loa này? 
giai nghia chat luong loa qua thong so ky thuat
Mỗi chiếc loa "ra đời" với một mục đích và ứng dụng khác nhau
Thực tế cho thấy loa không bao giờ phát ra một âm thanh "đều đều" từ đầu đến cuối khi sử dụng mà sẽ thay đổi to, nhỏ khác nhau, vì vậy để xác định sự thay đổi biên độ nhanh chóng của một cường độ sóng âm, người ta thường dùng một giá trị trung bình. Công suất RMS (Root Mean Square) được sử dụng để mô tả năng lực bình quân của sóng âm. Chính vì thế mà nhà sản xuất thường công bố mức công suất RMS và công suất đỉnh của loa chênh lệch nhau rất nhiều. Và thông thường loa chỉ có thể đạt mức công suất đỉnh này trong khoảng thời gian rất ngắn, sẽ hư lập tức nếu hoạt động với mức công suất này quá thời gian cho phép. Ngoài ra nhiều nhà sản xuất còn công bố mức công suất Programme, cũng là mức công suất đỉnh nhưng là đỉnh của mức trung bình (RMS), nghĩa là loa thường xuyên "đạt đỉnh" và hoạt động ở mức công suất này. 

3. Mức độ lớn của loa

Như mình đã chia sẻ chi tiết về mức độ lớn của loa trong bài viết trước: Khái niệm decibel-Đơn vị đo cường độ âm thanh sẽ là cơ sở để căn cứ tính toán độ lớn của chiếc loa đạt được. Ngoài ra khi tăng khoảng cách từ nguồn phát đến tai người nghe sẽ làm giảm cường độ âm thanh (theo nguyên tắc gấp đôi khoảng cách, giảm 6dB). Và bài viết này cũng sẽ giới thiệu thêm về thông số SPL thường có trong bảng kỹ thuật của loa mà nhiều người hay thắc mắc hoặc bỏ quên. 
SPL là viết tắt của mức độ áp lực âm thanh và cũng thường được gọi là hiệu quả và độ nhạy của loa đo bằng đơn vị dB. Thông số này đại diện cho độ lớn loa là bao nhiêu. Một SPL cao hơn tương đương với một loa to hơn. Bạn có thể thấy con số này trong bảng kỹ thuật hoặc phía sau thùng loa, nơi kết nối jack cắm loa của một số nhà sản xuất. Một nguyên tắc chung là để tăng âm thanh đầu ra 3 dB, bạn phải cấp gấp đôi công suất cho loa. Ví dụ loa có 90dB SPL 1W/1M thì để chơi được độ to 93 dB bạn sẽ phải cung cấp 2 Watt, và 96 dB sẽ là 4 Watt. 
chat lieu san xuat loa
Chất liệu cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng chất lượng của loa
Tầm quan trọng của độ nhạy của loa đôi khi bị bỏ qua. Sau đây là cách rõ rệt sự khác biệt có thể được. Nếu loa được đánh giá ở mức 83 dB SPL 1W / 1M, sau đó để đạt tới đỉnh cao 104 dB SPL các loa sẽ cần một bộ khuếch đại có khả năng sản xuất vượt mức 125 watt cho mỗi kênh. Nhưng, nếu một loa được đánh giá ở 98 dB SPL 1W / 1M, để đạt được cùng một SPL 104 dB có thể chỉ tốn 4 watt. Đó là lợi thế của các loa có độ nhạy hay SPL cao, nhưng nhiều người thường bỏ qua thông số này. 
Bên cạnh các yếu tố về mặt kỹ thuật giúp bạn đánh giá thì chất lượng của loa còn phụ thuộc vào chất liệu của các thành phần cấu tạo nên nó như: màng loa, viền, nón, hay các thành phần khác... mà nhà sản xuất sử dụng để chế tạo loa. Còn 3 yếu tố kỹ thuật kể trên là những con số mà người mua loa hiện nay thường bỏ qua hoặc hiệu chưa rõ về nó nhất. Hy vọng bài viết đã mang lại những kiến thức, thông tin hữu ích và thực tế nhất cho bạn trong lĩnh vực âm thanh này.

No comments:

Post a Comment