Monday, January 11, 2016

Chi tiết các thành phần trên mixer analog

Bài viết sẽ giúp bạn biết rõ chi tiết các thành phần trên mixer analog hiện nay, qua đó hiểu rõ hơn thiết bị này. Đây là kiến thức quan trọng với những ai mới bắt đầu làm việc, tiếp xúc với mixer hay làm trong lĩnh vực âm thanh. 

Đóng vai trò trung tâm xử lý của tất cả các tín hiệu trong dàn âm thanh, tất cả những yêu cầu về âm thanh chương trình đều được tùy chỉnh thông qua mixer. Ở bài viết trước khi chia sẻ về cách điều chỉnh mixer cơ bản khi làm âm thanh, Minh Thanh Piano có gợi ý một số kinh nghiệm xử lý thực tế về giọng hát, effect (echo và reverb) cũng như cách điều chỉnh compressor, limiter. Còn trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ với những bạn đọc đang có nhu cầu tìm hiểu chi tiết về các thành phần trên mixer analog, bao gồm các cần fader khống chế âm lượng cho đến các nút vặn, chức năng của từng bộ phận này. (Trong khuôn khổ bài viết và đối tượng đọc, chúng tôi chỉ đề cập đến các loại mixer analog truyền thống được sử dụng nhiều từ trước đến nay) 
chi tiet cac thanh phan tren mixer analog
Các thành phần trên mixer analog

1. Hệ thống input tín hiệu vào

Các đường input trên mixer cho phép kết nối tín hiệu vào hệ thống âm thanh từ các thiết bị như: Micro, nhạc cụ, các thiết bị đầu đĩa, điện thoại, laptop... Các đường tín hiệu này được đặt tên khác nhau tùy loại mixer: input level, gain hay trim. Tùy mỗi loại mixer kích cỡ, chức năng khác nhau sẽ có số lượng đường input nhiều, ít khác nhau. 
Ở một số mixer có thêm phần Switch Pad bổ sung, giúp giảm cường độ tín hiệu 20dB để tránh tình trạng tín hiệu quá lớn, bị vỡ ở một số thiết bị cụ thể. 

2. Equalizer onboard, có sẵn trên mixer

Các bộ trộn tín hiệu thường tích hợp sẵn chức năng equalizer với 2, 3 hoặc 4 way tần số cố định trên mỗi đường input tín hiệu vào. Trên các mixer thường ký hiệu với các dải tần: bass (low), mid, treble (high). Ở bất kỳ dàn âm thanh nào cũng được trang bị equalizer để kiểm soát tần số âm thanh một cách chi tiết, cụ thể nhất. Vì vậy nhiều người cho rằng chức năng này trên các mixer analog là thừa thãi. Tuy nhiên với nhiều kỹ thuật viên âm thanh có kinh nghiệm, chức năng này có thể giúp ích họ rất nhiều, còn nếu bạn cảm thấy không cần thiết, hãy để các cần gạt ở mức cân bằng 0dB.
equalizer tren mixer
Equalizer onboard trên mixer

3. Hệ thống các Aux gửi tín hiệu

Các loại mixer analog dành cho các dàn âm thanh làm show, sự kiện hầu hết đều có từ 2-4 đường Aux (Auxiliary send) gửi tín hiệu để người dùng dễ dàng, linh hoạt trong việc gửi tín hiệu âm thanh. Các đường Aux này cho phép người dùng điều chỉnh độ lớn, nhỏ riêng của tín hiệu đó mà không ảnh hưởng đến hệ thống loa chính, ví dụ như điều khiển to nhỏ cho loa monitor hoặc effect hiệu ứng âm thanh. 
Như khi ca sỹ hát trên sân khấu không nghe rõ âm thanh, bạn có thể vặn các đường Aux tín hiệu này lớn hơn để ca sỹ có thể nghe rõ hơn, mà không hề ảnh hưởng đến tổng thể âm thanh của bộ dàn (âm thanh hiện trường). Hoặc với mỗi micro khác nhau của MC hay ca sỹ, kỹ thuật viên âm thanh sẽ khống chế được mức độ effect gửi vào đường input của là có hay không, không ảnh hưởng đến tổng thể âm thanh của chương trình. 

4. Meter, PFL, Solo

Các đại lượng này hiển thị cho người dùng thấy mức độ tín hiệu của từng đường input trên mixer. Tuy nhiên cũng có nhiều mixer rẻ tiền vì tiết kiệm chi phí mà bỏ qua luôn chi tiết này. Bộ hiển thị này sẽ thông báo cho bạn biết về mức độ tín hiệu hiện tại ra sao, có quá tải không hay đang thiếu rất nhiều, cần chú ý để thêm bớt tín hiệu âm thanh cho phù hợp. 
tin hieu tren mixer
Đèn báo mức độ tín hiệu trên mixer analog
Thông thường mỗi channel tín hiệu sẽ có một "khu vực" thể hiện mức độ tín hiệu của đường input đó, cũng như một chỗ riêng dành cho mức độ tín hiệu tổng cả dàn âm thanh. Các tín hiệu này thường được thể hiện bằng đèn led với các màu xanh, lục, vàng, đỏ trên bàn mixer. 
Đó là một số chi tiết các thành phần trên mixer analog hiện nay. Vẫn còn rất nhiều chi tiết khác mà Minh Thanh Piano sẽ tiếp tục cập nhật, chia sẻ với bạn trong những bài viết tiếp theo. 

No comments:

Post a Comment