Friday, November 6, 2015

Khả năng đáp tuyến tần số của loa

Một trong những tiêu chí cơ bản khi mua loa đó chính là khả năng đáp tuyến tần số của loa phải đảm bảo ở mức tốt để âm thanh cho ra được hoàn hảo nhất có thể. Bài viết sẽ chia sẻ với bạn về yếu tố này và một số dạng biểu đồ thể hiện khả năng đáp tuyến tần số khác nhau của loa. 

Tần số âm thanh mà tai người có thể nghe được trải dài từ 20Hz-20KHz (lý thuyết). Và hầu hết các nhà sản xuất loa đều công bố rằng loa của họ có thể đáp ứng tốt toàn dải tần số âm thanh này. Tuy nhiên thực tế thì chưa cặp loa nào đủ "hoàn hảo" để làm được điều này. Vì vậy bạn chỉ có thể dựa trên kinh nghiệm và vốn kiến thức của bản thân mà đánh giá về chất lượng của loa mà thôi. Và bài viết này sẽ chia sẻ với bạn về một số kiến thức về khả năng đáp tuyến tần số của loa, cũng như về các biểu đồ đáp tuyến tần số. 

1. Khái niệm đáp tuyến tần số của loa

Mỗi âm thanh đều có mức tần số riêng và đơn vị đo của tần số là Hz. Tần số âm thanh cho chúng ta biết độ cao, thấp của âm thanh đó. Còn độ lớn của âm thanh (cường độ âm thanh, năng lượng âm thanh) được đo bằng đơn vị decibel (dB). Vì vậy khi thể hiện khả năng tái tạo âm thanh của một chiếc loa hay các loại headphone, microphone...  nhà sản xuất thường sẽ thể hiện thông qua biểu đồ, mà trên đó bạn sẽ thấy ở những mức tần số nhất định sẽ được tái tạo âm thanh ở mức nào.

2. Một số biểu đồ đáp tuyến tần số của loa

kha nang dap tuyen tan so cua loa
Biểu đồ đáp tuyến tần số

Nhìn có vẻ phức tạp với "chi chít" số trên biểu đồ, nhưng nếu chú ý kỹ bạn sẽ thấy nó không quá khó hiểu như những gì mình tưởng tượng. Trục hoành (nằm dưới) của biểu đồ sẽ thể hiện tần số trong khoảng nghe được của tai người (từ 20Hz-20KHz), còn trục tung sẽ biểu diễn ngưỡng áp suất âm thanh (SPL) được đo với đơn vị dB. Biểu đồ này giúp bạn xác định khả năng tái tạo âm thanh của loa ở mỗi mức tần số nhất định.
Tuy nhiên ở một số biểu đồ đáp tuyến tần số của loa, trục tung không được thể hiện các con số 50, 60, 80, 100... như hình trên mà sử dụng theo dạng số âm và dương như hình dưới đây: 
do thi loa dap tuyen tan so
Khác với hình đầu tiên thể hiện năng lượng mà loa phát ra trong phép đo, ở hình này trục tung biểu diễn dạng dung sai của loa trong các phép đo, tuy nhiên về bản chất thì cả 2 loại biểu đồ này là giống nhau. Những nhà sản xuất sử dụng dung sai +/-3dB là căn bản trong phép đo đáp tuyến tần số là bởi vì cứ thay đổi 3dB thì tai người sẽ cảm nhận được sự khác biệt gấp đôi về năng lượng. 
Ví dụ có 1 loa với độ nhạy 90dB có nghĩa là với 1 Watt công suất của ampli (tương ứng với mức điện áp xoay chiều 2,83 V) thì loa sẽ đạt tỉ lệ SPL = 90 dB tại khoảng cách 1 mét ở một mức trở kháng nhất định. Thông số về độ nhạy của loa sẽ cho ta biết công suất tối thiểu của tăng âm để phối ghép với loa. Thông thường độ nhạy càng cao thì công suất của ampli càng thấp. Cứ giảm SPL một mức là 3 dB thì cần công suất ampli gấp đôi. Nếu như chỉ 1 Watt cũng đủ để đạt mức âm lượng tương đối lớn với loa có độ nhạy 95 dB thì cần phải có ampli đạt công suất tối thiểu là 8 Watt để kéo loa 86 dB. Ví thế mà dung sai +/-3dB thường được dùng như căn bản trong phép đo đáp tuyến tần số. 

3. Phép đo xác định đồ thị đáp tuyến tần số của loa

Để đưa ra được một đồ thị đáp tuyến tần số của loa hay các thiết bị bất kỳ, nhà sản xuất sẽ phải sử dụng các phép đo, trong đó phổ biến là cấp cho thiết bị các tần số âm thanh ở cùng một mức âm lượng, rồi đo âm thanh phát ra và biểu diễn chúng trên đồ thị. 
tan so loa soundking f215
Tần số đáp tuyến loa thùng Soundking F215
Thông thường, với loa thì chúng ta sẽ cấp cho nó các âm tại 1/3 quãng tám, trong dải tần từ 20Hz cho tới 20KHz. Sau đó dùng microphone đặt cách 1 mét ở phía trước, và thu lại các âm mà loa phát ra. Nếu chúng ta cấp cho loa tín hiệu tại 1 watt, thì âm thanh mà loa phát ra phải đạt 88 decibel. Trong điều kiện lý tưởng, hoàn hảo thì loa sẽ cho ra đồ thị là một đường thẳng. Nghĩa là cấp bao nhiêu loa sẽ phát ra bấy nhiêu và sự tái tạo là chính xác tuyệt đối.
Tuy nhiên hiện nay chưa nhà sản xuất loa nào làm được điều này, và điều đó thể hiện qua sự "lên xuống thất thường" của các biểu đồ đáp tuyến tần số. Ví dụ như bạn sẽ không nhận đủ 88dB, và nó sẽ dao động trong khoảng từ 86dB-90dB, hoặc sẽ là 80dB-90dB với các cặp loa kém chất lượng. 
Đó là những lý thuyết căn bản về khả năng đáp tuyến tần số của loa, hy vọng bài viết sẽ đem đến thêm những kiến thức mới dành cho bạn trong quá trình làm việc trong lĩnh vực âm thanh, audio hiện nay.

No comments:

Post a Comment