Thursday, September 25, 2014

Nâng cấp thùng loa - P.2

Trong bài viết trước nói về cách tháo ráp loa, điều chỉnh mút cách âm để chống dội âm của thùng loa... Thì hôm nay, mình tiếp tục giới thiệu với các bạn cách để nâng cấp các phụ kiện bên trong của thùng loa, góp phần cải tiến chất lượng của loa mà vẫn có thể tiết kiệm chi phí ở bài viết Nâng cấp thùng loa - P.2 này.

Như đã giới thiệu với các bạn ở bài viết Cấu tạo cơ bản của loa thùng, thì một linh kiện đóng vai trò quan trọng, chia các tần số tương ứng cho các loại driver đó là mạch phân tần. Đối với những nhà sản xuất loa, thì sản xuất mạch phân tần là một diều tương đối phức tạp, nhưng để nâng cấp nó thì không phải là vấn đề quá khó nếu bạn có kiến thức căn bản về điện.
nang-cap-thung-loa-p2
Tấm nhựa phía sau thùng loa
Đầu tiên thì cần phải tháo mạch phân tần bên trong loa ra. Nhà sản xuất thường sẽ đặt linh kiện này ở vị trí tương đối dễ thao tác, nên bạn có thể lấy nó ra một cách dễ dàng. Thông thường, đây là tấm nhựa được bắt vít vào phía sau loa. Mở vít và bạn có thể dễ dàng nạy tấm panel này lên.Nhưng hãy cận thận, làm một cách nhẹ nhàng để đảm bảo không bị đứt các dây dẫn bên trong. Mạch phân tần thường được thiết kế đặt trong các hộp nhựa được đúc kín bằng keo, nên sẽ không dễ dàng khi thay thế các linh kiện bên trong của nó. Ngoài ra thì thiết kế như vậy để tránh việc khi loa vận hành, màng loa rung lên làm ảnh hưởng đến các linh kiện của mạch phân tần như tụ và cuộn cảm. 
Hãy tìm hiểu kĩ về cách sắp đặt vị trí trước khi tiến hành nâng cấp mạch phân tần. Nếu nó là loại đơn giản chứ không phải linh kiện quá rắc rối thì bạn có thể nâng cấp bằng cách đi lại dây trên mạch phân tần thay vì mạch in. Sử dụng dây cứng để nối, có thể đấu dây song song với mạch in hoặc có thể giảm trở kháng trong mạch.

Thay tụ trong mạch phân tần

Đây là linh kiện dễ nâng cấp cũng như đem lại hiệu quả cao nhất, vì chúng thường có giá trị ghi sẵn trên tụ. Chúng ta có thể tìm mua tụ bên ngoài một cách dễ dàng, với mức giá tương đối rẻ. Phổ biến là tụ hóa không phân cực (non-polar hoặc bi-polar).
nang-cap-tu-dien-cua-loa
Thay thế tụ tương đối đơn giản
Bởi vì trong loa là tín hiệu AC nên tụ không thể được phân cực như trong nguồn một chiều. Để tiết kiệm chi phí, nhiều nhà sản xuất đã dùng hai tụ hóa thường, đấu nối tiếp ngược chiều nhau. Vì thế, tổn thất và độ tự cảm trong điện phân nhờ đó mà tăng gấp đôi.
Bạn sẽ tìm thấy tụ hóa trong mạch loa bass vì nó cần giá trị tương đối cao. Với giá trị hàng chục đến hàng trăm microfarad (uF), nếu dùng tụ polypropylene (PP) sẽ rất đắt tiền, do đó loa phổ thông hay dùng tụ hóa. Bạn có thể giữ những tụ hóa này vì nếu thay bằng tụ PP cao cấp, chi phí mà bạn phải bỏ ra sẽ là không nhỏ.
Tuy nhiên, điều có thể làm là cải thiện chất lượng âm thanh tần số trung và cao của mạch lọc. Điều này có nghĩa là tần midrange được thể hiện tốt hơn và giảm méo ở dải trung cao. Ở mạch tần số cao, bạn có thể thay tụ hóa không phân cực bằng polypropylene. Tính rõ ràng trong trẻo của âm thanh có thể tăng một cách đáng kể so với trước đây.
Tụ trong mạch phân tần thường được ghi chú giá trị là 4,7K 100, có nghĩa là 4,7 uF, dung sai 10% 100v. Chữ K là dung sai 10% còn chữ J ở đằng sau giá trị có nghĩa là 5% dung sai. Với những ký hiệu trên, tụ sẽ được thay thế ra sao. Câu trả lời đơn giản và tối ưu nhất là dùng polypropylene chất lượng cao. Không phải tất cả tụ PP đều được tạo ra như nhau, tùy theo hãng sản xuất mà chất lượng của chúng khác nhau. Những loại tốt nhất thường của hãng Hovland Musicap, MIT, Solen-SCR, M-Cap...

Thay điện trở trong mạch phân tần

cai-tien-mach-phan-tan
Nấng cấp điện trở cho mạch phân tần
Nhiều người thường thắc mắc rằng có thể thay điện trở của mạch phân tần được hay không? Điều này hoàn toàn được, tuy nhiên hiệu quả âm thanh mang lại là không cao. Các loại điện trở tốt thường là loại dây cuốn lên lõi sứ, sau đó phủ ra ngoài một lớp men thủy tinh bóng loáng màu xanh lá cây sẫm, đen hoặc xanh lơ. Khi thay điện trở cần chú ý đến giá trị công suất đúng với điện trở có sẵn trong mạch phân tần, 3W, 7W hay 10W.

Thay thế cuộn cảm của mạch phân tần

nang-cap-ben-trong-thung-loa
Cuộn cảm bên trong
Các loại cuộn cảm lõi không khí thường được sử dụng trong các loại loa cao cấp. Tuy nhiên vì giá trị của nó cao nên rất ít khi chúng ta bắt gặp nó trong các loại loa phổ thông trên thị trường. Ngoài ra còn do yếu tố khi dùng lõi không khí nên bạn cần nhiều vòng dây hơn để có độ tự cảm tương đương trong cuộn cảm lõi không khí so với cuộn cảm lõi ferit hay kim loại. Do đó, điện trở thuần của cuộn dây tăng lên đáng kể. Dĩ nhiên là có thể tăng đường kính của dây đồng để làm giảm điện trở nhưng khi đó cuộn dây sẽ trông cồng kềnh, đặc biệt là cuộn sử dụng cho mạch loa bass. 
Tuy nhiên thì nếu bạn nhất định muốn rằng loa của mình phải hay, âm thanh phải chất lượng thì đây là điều nên làm

Lắp ráp các linh kiện lại thành mạch phân tần mới

cai-tien-thung-loa
Cần chú ý kích thước khi lắp ráp lại mạch phân tần
Đây là giai đoạn cuối cùng nhưng sẽ không kém phần quan trọng cho quá trình nâng cấp thùng loa của bạn. Vì các linh kiện thay thế đôi lúc sẽ có kích cỡ lớn hơn so với các linh kiện cũ, chính vì thế cần chú ý khi sử dụng linh kiện có kích cỡ phù hợp
Ngoài ra cần chú ý một vài điều như: kiểm tra chất lượng âm thanh trước khi có quyết định cuối cùng, đặt đúng vị trí của từng linh kiện, dán keo chắc đảm bảo linh kiện không rớt ra khi loa vận hành... 
Chúc các bạn sẽ nâng cấp thành công thùng loa của mình qua 2 bài viết về chủ đề này. Tham khảo lại bài viết: Nâng cấp thùng loa - P.1

No comments:

Post a Comment